Chế phẩm sinh học trong nuôi tôm
Hiện nay rất nhiều loại chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, để hiểu bản chất và tác dụng của nó cho việc sử dụng có hiệu quả, chúng tôi xin trình bày tóm tắt như sau:
– Thành phần các chế phẩm sinh học:
Chế phẩm sinh học hiện nay phổ biến có 2 loại:
Loại thứ nhất: chiết xuất từ thảo mộc, từ vi sinh vật,… cũng có tác dụng hấp thụ các khí độc và tăng đề kháng cho tôm trong ao.
Loại thứ hai: là dạng vi sinh vô hại cô đặc ở dạng lỏng hoặc dạng khô cho bám vào các giá thể, dưới dạng bào xác không hoạt động. Khi sử dụng thường thức nó dậy, kích thích phát triển tăng sinh khối trước khi cho xuống ao.
– Tác dụng của chế phẩm sinh học:
Làm giảm các độc tố trong ao xuống mức thấp nhất (chủ yếu là NH3, H2S,…).
Cải thiện màu nước, ổn định pH và cân bằng hệ sinh thái trong ao.
Giảm các chất hữu cơ, giảm độ nhớt của nước, phòng tảo nở hoa và hấp thụ nguồn tảo chết trong ao.
Cạnh tranh thức ăn làm giảm lượng vi khuẩn có hại trong ao, phòng bệnh và giảm thiểu hiện tượng gây bệnh tôm nuôi.
Giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt, giảm hệ số tiêu thụ thức ăn.
Kích thích hệ miễn dịch đề kháng bệnh, giảm sốc khi môi trường biến đổi.
– Cách sử dụng:
Các chế phẩm sinh học hiện nay xuất hiện trên thị trường đa số có tác dụng tương tự nhau, chỉ khác nhau một ít về thành phần và số lượng vi sinh có lợi/đơn vị trọng lượng. Do đó khi sử dụng cần tìm hiểu thật kỹ thành phần và tác dụng, sử dụng đúng cho từng phương pháp nuôi và liên tục trong vụ nuôi theo định kỳ (qui định của từng loài). Nên kiểm tra tác dụng thông qua chỉ số NH4+ đo trước khi sử dụng và sau sử dụng. Hiệu quả khi sử dụng phải có các loài vi khuẩn sau: Bacillus; Nitrobacter; Pseudomonas; Enterobacter; Cellulomas và Rhoropseudomonas;…. Khi nuôi mật độ > 10 con/m2 nên dùng chế phẩm sinh học, hiệu quả thấy rõ trong nuôi thâm canh. Trong khi sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế hoặc không sử dụng các hóa chất diệt khuẩn.