Cách sử dụng Test NH3 và kinh nghiệm đo amoni
Sử dụng test NH3 là cần thiết để kiểm tra chất độc hại Amoniac tích lũy trong quá trình nuôi. NH3 chủ yếu phát sinh từ chất thải của tôm cá trong ao nuôi thủy sản. Amonia tồn tại một trong hai dạng amoniac (NH3) hoặc các ion amoni (NH4+), nó sẽ chuyển thành các chất khác tùy thuộc vào giá trị pH trong nước.
Việc kiểm tra NH3 hay NH4+ trong môi trường ao nuôi có nhiều phương pháp khác nhau và cần được tiến hành thường xuyên. Sử dụng Test NH3/NH4 sera là cách được đa số người dùng đánh giá tốt, chuyên dùng cho môi trường nước, nhất là ao nuôi trồng thủy sản.
I. Ảnh hưởng, nguyên nhân gây ra khí độc NH3 trong ao:
1. Ảnh hưởng khí độc NH3 trong ao nuôi:
- Gây suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống bệnh, giảm ăn.
- Làm giảm oxy hòa tan trong nước.
- Gia tăng tính mẫn cảm với điều kiện không thuận lợi của môi trường như nhiệt độ, oxy, …
- Ức chế sự phát triển bình thường.
- Độc tính của NH3 càng cao khi pH và nhiệt độ càng cao, đặc biệt tăng nhanh khi giá trị pH từ 8 trở lên.
2. Nguyên nhân gây ra khí độc NH3 trong ao:
- Thức ăn dư thừa, hàm lượng chất hữu cơ nhiều.
- Phân thải, vỏ tôm sau khi lột.
- Xác bã động thực vật phù du (xác tảo tàn,…).
- Hóa chất, kháng sinh tích tụ dưới đáy lâu ngày không được xử lý.
- Cải tạo ao chưa kỹ…
3. Tiêu chuẩn NH3 trong ao nuôi:
TT | Thông số | Đơn vị | Giá trị tối ưu | Giá trị cho phép |
1 | NH3 | mg/l | < 0,1 | < 0,3 |
4. So sánh tính độc:
Bảng tổng hợp tính độc của NH3 theo pH và NH4
- Vàng: An toàn
- Xanh: Nguy hiểm
- Đỏ: Rất nguy hiểm (> 0,5 rất độc)
II. Sử dụng Test NH3/NH4:
Test NH3/NH4 sera là loại test dễ thực hiện, cho kết quả nhanh và chính xác, chuyên dùng cho môi trường nước, nhất là ao nuôi trồng thủy sản.
Cách sử dụng Test NH3 Sera:
- Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra. Lắc đều các chai thuốc thử trước khi sử dụng.
- Rửa lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ đầy 5ml mẫu nước vào lọ. Lau khô bên ngoài lọ.
- Cho 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 1 vào lọ thủy tinh chứa mẫu nước cần kiểm tra, đóng nắp và lắc đều.
- Mở nắp, cho 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 2 vào lọ, đóng nắp và lắc đều rồi mở nắp ra.
- Cho tiếp 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 3 vào lọ, đóng nắp lọ lắc đều.
Chú ý: Nếu mẫu thử là nước ngọt thì chỉ dùng 3 giọt ở mỗi chai thuốc thử 1, 2 và 3.
Sau 5 phút, đối chiếu màu của dung dịch với bảng màu.
Đối chiếu giá trị NH4+ với giá trị pH để kiểm tra độc tố NH3 có trong nước ao.
Bảo quản:
Đóng nắp chai thuốc thử ngay sau khi sử dụng, lưu trữ nơi thoáng mát và để tránh xa tầm tay trẻ em.
III. Những kinh nghiệm đi kèm việc sử dụng Test NH3:
1. Hàm lượng Ammonia tối ưu cho tôm:
- Tốt nhất là bằng 0 mg/L hoặc dạng Ammonia độc tối đa < 0,01 mg/L
- Tổng Ammonia < 1 mg/L
2. Hàm lượng gây chết tôm:
- Khi Ammonia dạng độc > 0,015 mg/L sẽ gây tổn thương và làm chết tôm
- Khi tổng Ammonia > 2 mg/L sẽ gây chết tôm
3. Giải pháp khi Ammonia cao:
- Giảm thức ăn
- Duy trì mật độ tảo có lợi trong ao (tảo khuê)
- Thay nước
- Duy trì mức ôxy hòa tan (DO) >= 5 mg/lit
- Mật rỉ đường
Hàm lượng khí NH3 hiện diện trong môi trường nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó pH và nhiệt độ là 2 yếu tố quan trọng nhất. Nếu nhiệt độ cao, pH cao mà hàm lượng DO thấp thì tính độc của NH3 càng cao.
Do đó, nên lưu ý những điều như sau:
- Giữ pH ở ngưỡng an toàn từ 5 – 8.5
- Giữ nhiệt độ nước ao nuôi thấp như che lưới lan, tăng cường quạt nước
- Thay nước ao nuôi khoảng 30 – 50% và hút cặn đáy, xi phông nhiều lần trong ngày