Sử dụng thuốc và hóa chất đúng cách
Sự thiếu hiểu biết khi sử dụng thuốc và hóa chất trong thủy sản gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Không những tác động xấu đến môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Phương pháp
Theo TS Lý Thị Thanh Loan, hiện nay có 4 phương pháp được áp dụng trong nuôi thủy sản, cụ thể:
Phương pháp tắm: Thuốc được dùng với nồng độ tương đối cao tắm cho động vật thủy sản theo thời gian quy định; chỉ áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ.
Phương pháp ngâm: Khác với phương pháp tắm, khi ngâm sẽ dùng thuốc với nồng độ thấp và thời gian kéo dài; thường áp dụng cho các ao đầm nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi; đồng thời cũng cần chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.
Phương pháp uống: Là cách dùng thuốc hoặc các chế phẩm trộn vào thức ăn. Phương pháp này thường kém hiệu quả đối với một số bệnh vì khi đối tượng nuôi bị bệnh khả năng hoạt động bị hạn chế; do đó chúng sẽ ăn hoặc bỏ ăn nên kết quả điều trị thường không cao. Khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gạn mực; dầu thực vật bao bên ngoài viên thức ăn để hạn chế thuốc; hóa chất bị mất đi do bị hòa tan trong môi trường nước nuôi.
Phương pháp tiêm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể động vật thủy sản (áp dụng cho động vật quý hiếm hoặc đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao).
Yếu tố ảnh hưởng hiệu quả của thuốc và hóa chất
Đối tượng nuôi: Cùng một loại thuốc nhưng loài này có thể nhạy cảm hơn loài khác. Giai đoạn tôm, các con và tôm, cá bố mẹ, khi sử dụng thuốc cần liều thấp hơn đối với giai đoạn trưởng thành. Bởi lúc còn bé, thủy sản có khối lượng nhỏ hơn khi trưởng thành, khi đó các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình trao đổi chất và sự chuyển hóa cũng khác hơn, khả năng miễn dịch khác nhau.
Tình trạng cơ thể: Bệnh ở thể mãn tính phải dùng liều cao hơn thể cấp tính.
Tính chất của thuốc: Thuốc dễ hòa tan có tác động nhanh và ngược lại. Thuốc ở thể khí tác dụng nhanh hơn thể lỏng, rắn. Thuốc bay hơi và khuếch tán mạnh thì tác động nhanh, mạnh hơn thuốc bay hơi và khuếch tán chậm. Vì vậy, khi sử dụng thường dùng liều lượng từ thấp đến cao.
Phương pháp dùng thuốc: Mỗi loại phương pháp cho phản ứng nhanh hay chậm khác nhau, tiêm thuốc tác động nhanh hơn trộn thuốc vào thức ăn…
Nồng độ thuốc: Trong phạm vi nhất định, nồng độ thuốc tăng tác dụng của thuốc cũng tăng.
Thời gian và nhiệt độ: Có ảnh hưởng và tác động nhiều đến phương pháp tắm hoặc ngâm.
Môi trường: Thủy sản bị bệnh sống trong điều kiện thích hợp; được chăm sóc tốt thì tác động của thuốc cũng được phát huy. Theo các kết quả nghiên cứu, hàm lượng hữu cơ hòa tan trong nước càng lớn, độ trong của nước càng thấp thì hiệu quả của CuSO4 giảm. Nhiệt độ, pH, độ kiềm, độ cứng, oxy hòa tan cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Lưu ý khi sử dụng
Hiện nay, có nhiều trường hợp sử dụng thuốc và hóa chất tràn lan; không tuân thủ các quy định; nguyên tắc dẫn đến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng do dư lượng hóa chất tồn tại trong cơ thể đối tượng nuôi. Tác động đến cấu trúc và tính đa dạng sinh học; tồn lưu trong môi trường; tác động đến hệ vi sinh vật trong môi trường và xuất hiện các dòng vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy, khi sử dụng, người nuôi cần lưu ý:
Phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh trước khi quyết định xử lý bằng thuốc hay hóa chất. Chọn loại thuốc, hóa chất dễ sử dụng, đơn giản.