Phòng và trị bệnh đường ruột trên tôm
Bệnh đường ruột ở tôm khá phổ biến như phân trắng, phân đứt khúc, viêm đường ruột, … Ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của vụ nuôi, nếu không phòng và điều trị có thể làm giảm năng suất, chất lượng.
NGUYÊN NHÂN BỆNH ĐƯỜNG RUỘT TRÊN TÔM
Do thức ăn: Thức ăn không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị mốc, chứa độc tố,… khi cho tôm ăn phải các loại thức ăn này sẽ bị bệnh đường ruột.
Do tảo độc: Trong ao nuôi thường tồn tại nhiều loại tảo khác nhau, trong đó có nhiều loại tảo có khả năng tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột tôm không thể hấp thụ thức ăn được. Điển hình như tảo lam, khi trong ao có nhiều tảo lam sẽ có tình trạng tôm bị phân trắng, phân đứt khúc do tôm ăn tảo lam và không tiêu hóa được.
Do ký sinh trùng đường ruột: Các loại ký sinh trùng bám trên thành ruột làm tôm bị bệnh đường ruột.
Do vi khuẩn: Vi khuẩn Vibrio cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh phân trắng trên tôm. Khi môi trường ô nhiễm các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và xâm nhập vào cơ thể tôm gây bệnh.
CÁCH TRỊ BỆNH ĐƯỜNG RUỘT TRÊN TÔM
1. Phát hiện sớm lúc mới bị nhẹ (dấu hiệu mờ khúc ruột cuối, chưa đứt khú, tôm chưa rớt đáy):
Trộn 25g/25ml vôi tôi Ca(OH)2 nguyên chất cho 1 kg thức ăn 5-7 ngày.
Trộn 10-15g tỏi xay ngâm 1 giờ lấy nước cho 1 kg thức ăn 5-7 ngày.
Cử sáng trộn vôi, cử trưa trộn tỏi, cử chiều trộn vôi.
2. Phát hiện trễ khi đường ruột đã bị đứt khúc phần cuối và tôm đã rớt thì một số bà con đã phải dùng thuốc đặt trị – Lưu ý không sử dụng thuốc thuộc danh mục cấm và dùng thuốc phải dùng thì chỉ điều trị 3 ngày và phải ngừng trước 25 ngày thu hoạch.
Lưu ý quan trọng:
Bà con nuôi tôm cần quan sát hàng ngày để phát hiện sớm nhằm điều trị bằng tỏi và vôi sẽ an toàn hơn cho đàn tôm của mình vì việc xử lý bằng kháng sinh, đây là cash không bền vững cho trại nuôi về lâu dài và không an toàn thực phẩm.
CÁCH PHÒNG BỆNH ĐƯỜNG RUỘT TRÊN TÔM HIỆU QUẢ.
Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo thoáng mát, tránh xa ánh sáng mặt trời.
Theo dõi hàng ngày sức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa. Phát hiện kịp thời tình trạng tôm bỏ ăn, phân trắng, đứt khúc để điều trị.
Diệt các loại tảo độc để tôm không bị ngộc độc, bị phân trắng. Sau khi diệt tảo có thể dùng vi sinh xử lý đáy để làm sạch đáy và nước ao nuôi.
Trộn men tiêu hóa và vitamin C vào khẩu phần ăn của tôm để tăng đề kháng, kích thích đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh. Hạn chế tối đa bệnh đường ruột cho tôm, một số sản phẩm của nhiều doanh nghiệp thuốc thú y thủy sản giúp ổn định hệ tiêu hóa của tôm, giúp tôm tiêu hóa tốt các loại thức ăn công nghiệp.
Thường xuyên kiểm tra nồng độ oxy hòa tan trong ao đảm bảo >4ppm, tốt nhất là 5ppm sẽ kích thích tôm ăn khỏe, lớn nhanh, ít bị các bệnh tấn công.
Dùng vi sinh xử lý nước thường xuyên để làm sạch môi trường ao, không để ao bị ô nhiễm, từ đó hạn chế được các loài vi khuẩn, tảo độc, virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cho tôm.
Bệnh đường ruột ở tôm rất phổ biến vì thế để nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi bà còn cần quản lý ao nuôi thật tốt, từ thức ăn cho đến môi trường ao, đảm bảo môi trường sống sạch giúp tôm ít bệnh, áp dụng quy trình nuôi tôm sạch theo công nghệ sinh học để giảm rủi ro khi sản xuất.